HƯỚNG CĂN HỘ CHUNG CƯ Lạm Bàn Phần 2

“TẰNG SỐ TẤT TU HỢP HÀ ĐỒ”

CHỌN TẦNG CHO CĂN HỘ CHUNG CƯ THEO PHONG THỦY

Mở đầu:
Có rất nhiều bạn gần đây đang mua và sắp mua chung cư có hỏi ngu mỗ các vấn đề liên quan. Để trả lời các bạn, ngu mỗ đăng lại bài viết từ năm 2016 và có chỉnh sửa đôi chút để các quý vị và các bạn tham khảo.

Tại sao lại đề là “lạm bàn”? Sợ rằng khi đọc tiêu đề sẽ có quý vị cho ra rằng “ông này ở nơi thâm sơn cùng cốc cả đời chưa vào cái chung cư bao giờ, biết gì mà bàn!”. Sao cái ông nhạc sỹ Trần Quang Lộc cả đời chưa ra Hà Nội bao giờ, không biết cái khí hậu mùa thu ra mô, vậy mà ông ấy viết nhạc phẩm “Có phải em mùa thu Hà Nội” hay thế?. Rồi có quý vị lại nói “ngày xưa có nhà cao tầng, chung cư đâu, sách cổ cũng trả thấy nói về vấn đề này, thì bàn cái gì?”. Xin thưa với quý vị rằng: Ngày nay phóng được tầu vũ trụ lên cung trăng là cũng phải dựa vào mấy cái tiên đề, mệnh đề... của các cụ Ác Si Mét, Ga Li Lê... cả đấy ạ! Thánh nhân chẳng dạy chúng ta “MINH KÍNH KHẢ DĨ SÁT HÌNH, VÃNG CỔ KHẢ DĨ TRI KIM”, đạo lý này há chẳng biết sao?
Vậy nên đã là “lạm bàn” xin quý vị “gạch đá” nhẹ tay đối với tín chủ, còn gạch đá học thuật thỏa mái ạ. Xin cảm ơn! 

VÀO BÀI: 
Ngày nay với với tốc độ phát triển như vũ bão của ngành phong thủy nước nhà, vấn đề xem phong thủy cho một căn hộ chung cư không phải là khó. Cái quan trọng là phải tìm ra một phương pháp nào có tính thực tế lý luận nhất, thuyết phục nhất. Trong rất nhiều yếu tố phong thủy cần xem thì chọn hướng nào,tầng nào cho căn hộ là nan giải nhất ( mời tham khảo chọn hướng tại:  ĐÂY )

Chọn tầng theo phong thủy có rất nhiều phương pháp (mời tham khảo tại: ĐÂY 


Cho dù phương pháp nào đi nữa thì cũng không thể nằm ngoài lý luận của đạo Dịch.
Phong thủy dương trạch phục vụ cho nhân thể, lấy con người là trung tâm, vì vậy mọi tác động của không gian Hà Đồ, Lạc Thư đều ảnh hưởng đến nhân thể. Một tòa nhà chung cư cũng bị tác động của mô hình Hà Đồ, Lạc Thư khi ta định vị nó trong không gian. Hà Đồ tiên thiên thể hiện sự cân bằng giữa 2 miền âm dương của các con số sinh thành, về phương hướng là bất dịch. Lạc Thư hậu thiên biểu hiện sự cân bằng của các con số theo mô hình đẳng hướng giữa 4 hướng chính và 4 hướng ngoại vi, ở đây đã có sự biến dịch. Chính vì vậy ta phải dùng vòng số sinh thành của tiên thiên Hà Đồ (đó cũng chính là hệ thập phân) để định vị (đo đếm) số tầng lầu của một đơn nguyên xây dựng, mà trong đó có con người cư trú. Còn các con số hậu thiên chỉ để thể hiện sự cân bằng giữa các hướng của mô hình ma phương Lạc Thư mà thôi, cho nên sách mới nói “Tằng số tất tu hợp Hà Đồ” là vậy. Cách tính này được áp dụng từ cổ xưa, sử dụng cho các công trình xây dựng các tháp tâm linh của người Trung quốc, nhất là trong đạo Phật. Các tòa tháp linh thiêng đều có tầng trên cùng là tầng số 7 là số tiên thiên của quẻ Càn (Trời), Phật gia thường có câu “cứu một mạng người còn hơn xây 7 tầng tháp” là vậy. Về sau người ta áp dụng cho cả trong xây dựng dương cơ, vì dương cơ có thêm yếu tố nhân sự cho nên cần phải có sự hài hòa trong đó. Đến đây mới nảy ra khó khăn phức tạp khi phối các con số tiên thiên kia với bản mệnh con người. Như chúng ta đã biết, để định vị, đánh dấu một nhân thể trong không gian người ta dùng “niên canh”, tức là hệ thống can chi trong 60 hoa giáp, từ niên canh họ còn dùng thêm nạp âm, cung phi của niên mệnh trong các tính toán nữa. Riêng nạp âm của niên mệnh không nằm trong không gian của Dịch cho nên không đề cập đến trong vấn đề này, việc phối nạp âm niên mệnh với số tầng là bất hợp lý và không hợp đạo. Chỉ còn lại niên canh và cung phi bản mệnh, trong đó cung phi bản mệnh là hằng số tiên thiên bị biến dịch dùng đo lường sự cân bằng của các hướng trong hậu thiên bát quái, một biến dịch phối một bất dịch e không ổn. Còn “niên canh” (can chi năm sinh” thì sao? “Tiên thiên vi mệnh, hậu thiên vi vận”, niên canh là hằng số bất biến của một nhân thể dùng để đánh dấu vị trí của nó trong không gian Hà Đồ, người ta dùng hệ can chi phối với nhau để đo đếm thay vì dùng vòng số sinh thành (hiện đại dùng hệ thập phân-vòng số sinh thành). Can đại diện cho Thiên, chi đại diện cho Địa, vậy mới có thiên can địa chi, thiên địa tương phối hợp lẽ. Cho nên lấy số tiên thiên kia kết hợp với địa chi của niên canh, mà không dùng thiên can trong cách phối niên canh với số tầng là hợp đạo.
Các con số tiên thiên đều mang trong chúng khí ngũ hành ,16 là khí thủy, 27 hỏa, 38 mộc, 49 kim 05 thổ. 12 địa chi cũng chứa trong đó khí ngũ hành như Dần Mão mộc khí, Tị Ngọ hỏa khí, Thân Dậu kim khí... Dựa vào các yếu tố trên, người ta chọn số tầng cho từng nhân thể bằng cách phối khí ngũ hành của số tầng lầu với khí ngũ hành của địa chi niên mệnh. Lấy nhân thể làm chủ khí, tầng lầu làm khách khí, sinh hoặc trợ cho chủ khí là cát, khắc tiết chủ khí là hung, chủ khí khắc khách khí là khắc vô lễ cho nên bán cát bán hung, đại loại như thế.
Khí ngũ hành của tầng lầu chỉ tác động đến nhân thể từ vòng số thành trở lên (6,7,8,9...) còn vòng số sinh (1,2,3,4) hầu như không bị ảnh hưởng, số 5,0 trung tâm bị chiết giảm đi ½. Khoa học hiện đại đã tính toán, áp suất khí quyển cứ lên cao 12m thì lại giảm đi 1mmHg, mà 12m tương đương với độ cao của 4 tầng lầu. Vì vậy quý vị nào có sử dụng các tầng thuộc vòng số sinh của Hà Đồ thì không cần quan tâm đến nó nữa.
Trên đây là toàn bộ lý luận của một phương pháp chọn tầng cho căn hộ chung cư theo đúng quan điểm “TẰNG SỐ TẤT TU HỢP HÀ ĐỒ”. 


Qúy vị có phương pháp lý luận nào khác nữa thì cùng nhau tham khảo.
Xin cảm ơn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bàn Về Thương Quan Cách

Thương Quan do nhật can sinh ra can trái âm dương với nhật can, như nhật chủ Giáp lấy Đinh làm Thương Quan. Theo các sách xuất bản hiện nay...